M&A bất động sản: Cuộc chơi ngày càng hấp dẫn

Trong khi dòng vốn ngoại vừa mới bắt đầu trở lại, thì nhiều doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực trong nước như Novaland, Hưng Thịnh, FLC, Đất Xanh đã thực hiện chiến lược “săn” dự án ngay từ khi thị trường còn đóng băng.

Tóm tắt

Sự bùng nổ của hoạt động M&A diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó bất động sản là một trong những lĩnh vực được đánh giá là sôi động nhất. Sự phục hồi của thị trường, cùng với nhiều chính sách mới thông thoáng hơn là lực đẩy giúp M&A trong lĩnh vực BĐS tăng trưởng mạnh. Theo dự báo của các chuyên gia hoạt động M&A bất động sản sẽ còn trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Vài năm trước, khi thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giống như các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng gần như “án binh bất động”. Tuy nhiên, từ giữa năm 2014, đặc biệt từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản đã chứng kiến dòng vốn ngoại, đặc biệt là dòng vốn từ châu Á đổ mạnh trở lại.

Sau quá trình đàm phán lâu dài, “ông lớn” Hồng Kông Gaw Capital Partners chi 110 triệu USD mua lại 4 dự án từ Indochina Plaza vào tháng 6. Trong tháng 7, quỹ Creed Group (Nhật Bản) cũng đã quyết định rót 200 triệu USD đầu tư vào Công ty Bất động sản An Gia (An Gia Investment). Mới đây nhất, cuối tháng 10 Quỹ đầu tư Singapore Genesis Global Capital cam kết đầu tư 300 triệu USD vào Phúc Khang.

Không chỉ các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam từ nhiều năm qua cũng đang đẩy mạnh việc rót vốn để mở rộng hoạt động. Quỹ Đầu tư hàng đầu thế giới Warburg Pincus công bố hoàn thành khoản đầu tư tiếp theo trị giá 100 triệu USD vào Vincom Retail, nâng tổng giá trị đầu tư Vincom Retail lên đến 300 triệu USD. Keppel Land, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Singapore cũng quyết định mở rộng danh mục đầu tư dự án bằng việc đầu tư 6,5 triệu USD vào Nam Long.

ma-bat-dong-san-cuoc-choi-ngay-cang-hap-dan

Trong khi dòng vốn ngoại vừa mới bắt đầu trở lại, thì nhiều doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực trong nước như Novaland, Hưng Thịnh, FLC, Đất Xanh đã thực hiện chiến lược “săn” dự án ngay từ khi thị trường còn đóng băng. FLC là tên tuổi đáng chú ý với việc thâu tóm hàng loạt dự án có vị trí đắc địa như Dự án Alaska Đại Mỗ, 36 Phạm Hùng và mới đây nhất là dự án tại địa chỉ 265 Cầu Giấy từ CTCP Hóa chất và Vật tư khoa học kỹ thuật.

Nhiều ông lớn địa ốc khác cũng đã “nhanh chân” khi thâu tóm hàng loạt đất vàng như Văn Phú Invest đã mua thành công “đất vàng” tại 138 Giảng Võ với giá trị thương vụ là 29,3 triệu USD. Mới đây, Hải Phát cũng cho biết đã mua thành công Tòa CT2-105 thuộc Khu đô thị mới Văn Khê (Usilk City) của Sông Đà Thăng Long, được biết giá trị thương vụ này khoảng 50 tỷ đồng.

ma-bat-dong-san-cuoc-choi-ngay-cang-hap-dan (1)

Theo nhận định của các chuyên gia, hời gian qua hoạt động mua bán sáp nhập và hợp tác đầu tư dự án diễn ra khá nhộn nhịp, một phần là do chu kỳ phát triển tất yếu và tốt cho thị trường, sau một thời gian dài trầm lắng hiện thị trường BĐS đã bắt đầu sôi động trở lại. Bên cạnh đó thị trường BĐS được “nâng đỡ” bởi nhiều chính sách thuận lợi như Luật kinh doanh BĐS, Luật nhà ở 2014 mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Keller Williams Commercial Northern Việt Nam cho biết, trong suốt 1 năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra khá sôi động và đang tiếp tục xu hướng tăng. Dự kiến, thời gian tới Những cải cách chính sách liên quan đến môi trường đầu tư, mua bán, sáp nhập, sở hữu nhà cho người nước ngoài mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua đang thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, nhất là khi hiệu lực TPP đang đến gần.

Vị này cũng cho biết thêm: “Là một Công ty dịch vụ BĐS đến từ Mỹ, trong thời gian qua nhiều đối tác của chúng tôi là các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực BĐS tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý nhiều nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm lớn đến phân khúc BĐS thương mại như văn phòng, bán lẻ và BĐS khu công nghiệp”.

“Mới đây, chúng tôi cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối với Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI). Việc ký kết này sẽ mở ra sự hợp tác tin cậy về việc chia sẻ thông tin các doanh nghiệp, dự án bất động sản đang có nhu cầu hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng, từ đó kết nối nhu cầu của khách hàng trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới”, đại diện Keller Williams Commercial Northern Việt Nam cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi các nhà đầu tư tăng nhu cầu tìm kiếm cơ hội tốt đầu tư vào BĐS thông qua nhiều hình thức bao gồm cả hình thức gián tiếp góp vốn, bỏ vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp cũng như trực tiếp mua bán, chuyển nhượng các dự án bất động sản sẽ giúp hàng tồn kho BĐS giảm mạnh, thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển.

Lan Nhi

Theo Trí thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

five × 3 =