Đô thị hóa – yếu tố cốt lõi tác động đến thị trường bất động sản

Những mặt hàng gắn mác “Made in Vietnam” sẽ xuất hiện nhiều hơn và Đông Nam Á sẽ là công xưởng tiếp theo của thế giới. Đó là nhận định của Savills về tiềm năng đầy triển vọng của Việt Nam và khu vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Savills mới công bố ấn phẩm thứ hai của Impacts (một chương trình nghiên cứu của Savills), trong đó có những nội dung đề cập đến việc những biến động trong kinh tế, chính trị, nhân khẩu học và công nghệ đang thay đổi thế giới bất động sản.

Theo Savills, trong tương lai, Đông Nam Á sẽ là nhà máy tiếp theo của thế giới. Trong bối cảnh chi phí nhân lực và đất đai ngày càng tăng tại Trung Quốc, những mặt hàng gắn mác “Made in Vietnam” hay “Made in Indonesia” dự kiến sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang dần chuyển hướng tìm kiếm nhân lực sang các nước láng giềng Đông Nam Á, nơi có mức lương trung bình bằng một nửa kỳ vọng của người lao động Trung Quốc. Xu hướng thuê ngoài đang tác động đến nguồn cầu bất động sản công nghiệp, bao gồm diện tích sản xuất và kho vận để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và cơ sở hạ tầng.

Đánh giá lợi thế của thị trường Việt Nam, ông John Campbell, Tư vấn Cấp cao, Bộ phận Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định: “Khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực đến từ chi phí lao động thấp, giá đất tương đối thấp, mức thuế doanh nghiệp ưu đãi, lực lượng lao động năng động, và vị trí địa lý gần những thị trường nguồn cũng như thị trường mục tiêu”.

Theo ông Campbell, chi phí lao động thấp tiếp tục thu hút những công ty từ Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực thâm dụng lao động. Dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, các công ty nước ngoài và nội địa tại Trung Quốc đại lục đang chạy đua để có diện tích sản xuất tại Đông Nam Á.

“Là một trong những thị trường công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam là điểm đến thuận lợi đối với nhà đầu tư quốc tế. Ví dụ, thời gian gần đây các đơn vị sản xuất của Apple đã thể hiện mong muốn chuyển dịch hoạt động tới Việt Nam nhằm tránh mức thuế 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc”, ông Campbell nhấn mạnh.

Cũng trong báo cáo này, Savills đã chỉ ra rằng, châu Á – Thái Bình Dương đang là khu vực tập trung những thành phố lớn nhất thế giới. Đô thị hóa được coi là yếu tố cốt lõi nhất tác động đến thị trường bất động sản, trong khi châu Á Thái Bình Dương đang trong giai đoạn đô thị hóa với tốc độ chưa từng có.

Trên thế giới hiện có 45 khu đô thị với hơn 10 triệu dân; 2/3 số đó thuộc châu Á. Trong khi đó, những siêu khu vực như Khu vực Tokyo Bay hay Khu vực Greater Bay ở phía Nam Trung Quốc còn lớn hơn cả các siêu đô thị và sẽ là những điểm tập trung đô thị hóa, tăng trưởng và phát triển.

Cũng theo Savills, dù có GDP bình quân đầu người thấp hơn Mỹ, những đã có hàng trăm triệu người châu Á đã gia nhập tầng lớp tiêu dùng với sức mua chưa từng có đối với đồ điện tử, thời trang hàng hiệu và những sản phẩm giải trí khác.

Đến năm 2030, dự đoán có hơn 60% tầng lớp trung lưu của thế giới sẽ sống tại châu Á – Thái Bình Dương, trong đó tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm thị phần lớn hơn Mỹ trong lượng tiêu dùng toàn cầu.

Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu được kỳ vọng sẽ mang đến những đổi thay mạnh mẽ với cả thị trường bất động sản, trong đó có các phân khúc hạng sang, cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo Đầu tư chứng khoán