CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn
Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng 2/5 dành một phiên thảo luận về mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Nhiều ý kiến đã được các CEO của startup, chuyên gia gửi tới lãnh đạo Chính phủ.
889 triệu USD rót vào startup năm 2018
Mở đầu phiên thảo luận về khởi nghiệp sáng tạo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân cho thấy sự cạnh tranh lành mạnh của hoạt động khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam với nền tảng là các doanh nghiệp tư nhân có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới đã trở thành hướng đi đúng đắn.
Thời gian qua, số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư như quỹ đầu tư mạo hiểm của tập đoàn Vingroup, với những vườn ươm tiêu biểu như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc, vườm ươm doanh nghiệp công nghệ cao Tp.HCM, vườm ươm Đà Nẵng, trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…
Chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các start up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017.
Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng ngày càng tăng. Số lượng và hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng tăng, đã có tính hệ thống hơn, phát triển các hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.
Nói về mô hình kinh doanh mới, TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright cho rằng nền kinh tế chia sẻ là một tiến trình tất yếu, ví dụ Grab về phương tiện đi lại. Bộ Giao thông vận tải của nhiều nước đã bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc nghiên cứu giải pháp nhưng sau đó để thị trường tự động lựa chọn, tức là để cho nó tự tạo ra ưu thế. Việc phát triển một nền kinh tế như vậy là tất yếu của quá trình phát triển, dù Việt Nam có muốn hay không muốn cũng không thể cản được.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương.
“Khởi nghiệp là để làm khác”
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là không gian mà chúng ta gọi là cách mạng 4.0, tạo ra những cơ hội suy nghĩ khác và làm khác để đạt được các mục tiêu.
Nếu chúng ta cứ đi theo châu Âu một cách tuần tự thì ta luôn đi sau, khởi nghiệp sáng tạo là cách để chúng ta làm khác. Chúng ta làm theo quy định, tiến theo quy trình là làm theo cái cũ, không bao giờ có đổi mới sáng tạo. Những gì chúng ta nói ở đây là phải thay đổi một cách căn bản với sự tham gia của chính phủ chứ không phải chỉ vài ba bộ ngành.
“Hệ sinh thái của chúng ta đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Ứng xử với nó theo tôi là đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không phải nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, mà quản lý phải vì phát triển. Start up sẽ tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết”, ông Cung nói.
Khởi nghiệp cũng như khởi nghĩa
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cho rằng startup cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị đạn dược. Các công ty khởi nghiệp ngày càng giỏi lên, tuy nhiên có vấn đề lớn là nguồn vốn và đây cũng là khó khăn trong cả thập kỷ qua.
Khó khăn khi gọi vốn là nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận, làm sao thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường mà công ty lên sàn rất khó khăn. Các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng.
Khi nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ nhìn vào quy mô thị trường và Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhưng chưa đủ lớn, chưa đạt mức nghìn tỷ USD. Cần khuyến khích các công ty đi ra khỏi Việt Nam, hướng tới thị trường Đông Nam Á với quy mô hơn 2.000 tỷ USD và lớn hơn nữa.
Nhưng mang vốn ra nước ngoài đầu tư là vấn đề nhạy cảm mà nhà nước luôn phải cân đối giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài.
Ông Minh Tuấn (Quảng Ngãi) quản lý một công ty trong lĩnh vực bất động sản với 4.000 nhân sự, đưa ra góp ý nhà nước nên có khái niệm cò khởi nghiệp tức là môi giới khởi nghiệp, tương tự lĩnh vực bất động sản. Lý do là nhiều người có ý tưởng lại thiếu kỹ năng bán hàng, cần có người trung gian hỗ trợ.
Đề xuất thứ hai của khách mời này là thuế doanh nghiệp nên khoán cho startup với các khoản thuế theo quý hoặc theo năm, sẽ dễ dàng cho doanh nghiệp, thay vì phải thuê một kế toán rồi trả lương. Ví dụ năm đầu đóng 20 triệu đồng, năm sau 50 triệu đồng, doanh nghiệp nào đóng được thì tồn tại.
Ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam, nền kinh tế tư nhân cũng phải hợp tác với chính phủ để khơi thông nguồn vốn, thu hút tinh thần khởi nghiệp, nâng cao nhận thức, đảm bảo nhiệt huyết.
“Chúng tôi bắt đầu là một công ty 10 người, từ Malaysia và mở rộng sang 9 quốc gia khác. Grab đã thành công ty tỷ USD nhưng vẫn là công ty công nghệ, với nhiều khó khăn. Thực tế cuộc cách mạng hơi nước đã bị phản ứng về việc máy móc thay thế con người. Trong cuộc cách mạng 4.0 cũng vậy, các công ty truyền thống nghĩ rằng công nghệ chiếm mất thị phần, làm họ mất doanh thu lợi nhuận. Tại sao ta không hợp tác với nhau ? Liệu có chính sách để tạo ra sân chơi bình đằng, chính phủ đóng vai trò điều tiết? Qua đó, giảm được gánh nặng hành chính, nâng cao hiệu quả, giảm giá thành”, vị CEO nói.
Khuyến khích sự phát triển của các công ty công nghệ thông qua mô hình thí điểm, từ đó kiểm chứng được tác động của nó tới xã hội, rút kinh nghiệm để điều tiết thị trường. Ngay cả khi có lợi ích rõ ràng, vẫn cần có thời gian để chính phủ kiểm chứng, hoạch định chính sách. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty và cơ quan chính phủ. Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn lọc thông tin hữu ích, xác định đâu là yếu tố thành công.
Theo Vneconomy