Chương trình Đào tạo nội bộ VNGroup số 02/2023: Văn Hoá Doanh Nghiệp

Sáng thứ 7 ngày 25/3 vừa qua, buổi đào tạo nội bộ số 02/2023 với chủ đề “Văn hoá doanh nghiệp Tập đoàn VNGroup” được tổ chức tại Tiktak Coworking Space tầng 5, số 1 Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội. Hoạt động đào tạo nội bộ lần này được dẫn dắt bởi ông Đỗ Văn Nam – Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn VNGroup.

Tiếp nối chương trình đào tạo nội bộ năm 2023 của Tập đoàn, Ban đào tạo tiếp tục triển khai nội dung mới tới toàn thể CBNV VNGroup khắp ba miền. Với chủ đề chính về “Văn hoá doanh nghiệp” được truyền đạt qua bài giảng của ông Đỗ Văn Nam – Phó Chủ tịch HĐQT, VNGroupesrs đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích, góp phần đắc lực vào quá trình làm việc thêm hăng say và hiệu quả, từ đó xây dựng VNGroup thêm đoàn kết, vững mạnh.

Chuyên đề 1 – Đào tạo về nhận thức

Mở đầu nội dung đào tạo, ông Đỗ Văn Nam chia sẻ về các yếu tố liên quan đến nhận thức, áp dụng cho đối tượng là CBNV và cấp quản lý. Trong đó, phần Quan điểm làm việc chỉ ra rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi người trong công việc, tiêu biểu như: Mức thu nhập của người lao động phản ánh hiệu quả lao động; Hiệu quả kinh doanh của công ty phụ thuộc vào cán bộ quản lý; Sự phát triển của các cán bộ quản lý chính là sự phát triển của toàn Công ty… Thông qua phần trình bày này, Phó Chủ tịch giúp mọi người có được cái nhìn toàn diện về vị trí của mình, thay đổi thái độ và hành vi, gia tăng động lực, thúc đẩy tinh thần phấn đấu, tự hoàn thiện bản thân để xây dựng lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch đưa ra công thức để đạt được thành công trong công việc bao gồm: Kế hoạch -> Thực hiện -> Kiểm tra -> Báo cáo. Với mỗi bước, ông chia sẻ chi tiết về cách thức thực hiện. Sơ đồ này không chỉ hiệu quả cho việc thực hiện các đầu việc, nhiệm vụ của đơn vị, của tập thể mà còn phù hợp trong giải quyết công việc từng cá nhân.

Về tiêu chí đánh giá công việc, ông cho biết với mỗi xếp loại Tốt, Đạt, Chưa đạt đều được xét duyệt dựa trên các hạng mục cụ thể: Về ý thức chấp hành nội quy; Về ý thức hoàn thành mục tiêu công việc/mục tiêu kinh doanh. Hiểu về tiêu chí đánh giá giúp CBNV ý thức được chất lượng và hiệu quả công việc mà mình đang làm. “Với các anh chị em tuổi nghề còn trẻ, chúng ta cần phải từng bước rèn luyện và nỗ lực hơn mỗi ngày, chúng ta cần thời gian để làm sao đáp ứng yêu cầu và đạt được cấp độ đánh giá cao nhất trong xếp loại” – Phó Chủ tịch chia sẻ.

Chuyên đề 2 – Văn hoá doanh nghiệp

“Văn hoá doanh nghiệp” là nội dung bao hàm nhiều kiến thức chuyên môn sâu rộng và cần nhiều thời gian để nghiên cứu nhưng đã được Phó Chủ tịch tổng hợp và đúc rút lại ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu trong phần 2 của buổi đào tạo. 

Bước đầu tiếp cận với nội hàm khái niệm văn hoá doanh nghiệp, ông chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế về văn hoá trong đời sống thường ngày, theo ông, văn hoá của con người thể hiện qua cư xử, hành vi, có thể theo một khu vực, một vùng miền hay rộng hơn là cả quốc gia, văn hoá ghi dấu lại ấn tượng, ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ của con người khi tiếp cận. 

Trong doanh nghiệp, văn hoá là nền tảng cốt lõi, thiếu văn hoá đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể trụ vững. Từ đó, văn hoá doanh nghiệp quyết định sự trường tồn và phát triển của doanh nghiệp. Theo ông, văn hoá doanh nghiệp được thể hữu hiện qua nhiều yếu tố, nhưng thể hiện rõ nhất thường thấy ở 2 yếu tố: Thái độ của CBNV với công việc và thái độ của CBNV với chủ doanh nghiệp. Cụ thể, thái độ của CBNV với công việc cần tuân thủ các chuẩn mực VNGroup đưa ra về việc chấp hành quy chế, tính hoà nhập với văn hoá Tập đoàn, sự thích nghi của mỗi cá nhân với hệ thống quản trị của doanh nghiệp. Về thái độ của CBNV với chủ doanh nghiệp là mối quan hệ hai chiều: nhân viên tôn trọng cấp quản lý, tôn trọng chủ doanh nghiệp và có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và có quyền chia sẻ quan điểm với cấp trên khi có vấn đề; chủ doanh nghiệp và các cấp quản lý có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, lắng nghe nhân sự cấp dưới để hoàn thiện công việc một cách hiệu quả. 

Các bước để xây dựng văn hóa doanh nghiệp VNGroup được ông chia sẻ chi tiết: “Trước tiên là xây dựng hệ giá trị văn hoá doanh nghiệp; tiếp đến là phần thực hiện của các CBNV; bước thứ ba là định hướng, đào tạo CBNV tuân theo đúng hệ giá trị; bước thứ tư là phải gắn quyền lợi của nhân viên với công ty, với công việc; bước thứ năm là ghi nhận đóng góp của cá nhân, tập thể với công ty; bước thứ sáu là thay đổi để trở nên phù hợp với hệ giá trị văn hoá tư tưởng; bước thứ bảy là chú trọng tới sự phát triển của CBNV; bước thứ tám là triển khai chi tiết nhưng luôn theo đúng định hướng đã đề ra”. 

Tổng kết phần nội dung về văn hoá doanh nghiệp, ông cho biết: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không thể chỉ là qua một câu nói mà là cả một quá trình đào tạo lâu dài để mọi người thay đổi từ tâm thế “ép buộc” sang trạng thái tự nhiên, chúng ta thực hiện như bản năng, chúng ta có thái độ tốt với công việc, với cấp trên, với chủ doanh nghiệp và mối quan hệ giữa CBNV với doanh nghiệp luôn là mối quan hệ hai chiều. Khi thực hiện được điều này thì văn hóa doanh nghiệp của VNGroup sẽ trở nên vững mạnh, hoàn thành được mọi mục tiêu nhiệm vụ và bứt phá vượt trội trong tương lai”.

Xen giữa nhiều chia sẻ kiến thức từ Phó Chủ tịch là các tương tác trao đổi, phản hồi vô cùng sôi nổi cùng CBNV trong tập đoàn ở cả ba chi nhánh. Mọi người đưa ra quan điểm của mình về văn hoá doanh nghiệp và gửi những câu hỏi thực tế đến ông Đỗ Văn Nam và được nhận lại câu trả lời trực tiếp tại chương trình. Hoạt động tương tác được một số Ban lãnh đạo và CBNV hưởng ứng nhiệt tình thể hiện sự quan tâm của anh chị em về chủ đề văn hoá doanh nghiệp.

Khép lại buổi đào tạo nội bộ số 02/2023, các VNGroupers đều đã hiểu hơn về nội nội dung văn hoá doanh nghiệp nói chung, văn hoá doanh nghiệp Tập đoàn VNGroup nói riêng. Mong rằng kiến thức bổ ích và thiết thực này sẽ giúp toàn thể CBNV VNGroup khắp ba miền thêm động lực để phấn đấu hoàn thiện tốt nhiệm vụ được giao và viết nên cho mình một chặng đường ý nghĩa trong quãng thời gian gắn bó với ngôi nhà chung VNGroup.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

4 × 4 =