Khi bạn sử dụng Internet, bạn đang sở hữu một thương hiệu riêng. Dù bạn có nhận ra, hoặc có thích hay không, người khác vẫn đang tìm kiếm bạn trên Google.
Ấn tượng của họ về bạn sẽ được định hình bởi những nội dung họ tìm thấy, như ảnh đại diện của bạn trên Facebook, LinkedIn, Instagram; những nhận xét hay đăng tải bạn chia sẻ trên các mạng xã hội, hoặc một bài viết của bạn trên một trang báo…
Tuy vậy, không nhiều người thực sự quen với việc phát triển một thương hiệu cá nhân trên môi trường này.
“Khi nghĩ về xây dựng thương hiệu cá nhân, chúng ta thường ngay lập tức nghĩ đến những nhân vật trong ngành công nghiệp giải trí” – chuyên gia Selena Soo, sáng lập viên của Công ty Tư vấn thương hiệu cá nhân S2 Groupe nói – “Nhiều người thậm chí cho rằng những người nổi tiếng là người ngạo mạn, khoe khoang, luôn cường điệu về bản thân, và họ không muốn mình giống như vậy”.
Nhưng thay vì nghĩ rằng việc xây dựng và quản lý hình ảnh cá nhân của mình sẽ giống như việc bạn phải thổi phồng mình lên như những người nổi tiếng, bạn hãy nghĩ rằng “thương hiệu của bạn đơn giản chính là những gì người khác nhìn nhận về bạn”, chuyên gia Soo nhấn mạnh.
“Người khác sẽ không thể biết được những điều khác về con người bạn ngoài những thông tin bạn đăng tải trên mạng, nội dung bạn “tạo ra”, những quan điểm bạn chia sẻ trong những cuộc hội thoại trực tuyến, những nhận xét của bạn bè. Xét ở một cấp độ nào đó, chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta muốn người khác nhìn nhận về mình, và rõ ràng, việc bớt chút thời gian để lên chiến lược cho việc này là điều rất nên làm”, Soo cho biết.
Vậy bạn sẽ bắt đầu tự xây dựng thương hiệu cho mình như thế nào? Từ “thương hiệu” có thể làm cho bạn có cảm giác mơ hồ và nhìn nhận nó là một vấn đề thật to tát. Tuy nhiên, bạn chỉ cần thực hiện một vài bước đơn giản dưới đây để hoàn thành quy trình tự mình xây dựng một thương hiệu cá nhân:
Bước 1: Ý tưởng
Hãy suy nghĩ cẩn trọng về thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải. Hãy nghĩ về hình ảnh bạn muốn mọi người nghĩ đến mình hoặc một chủ đề mà bạn đam mê.
Nếu chú ý, bạn có thể nhận ra rằng chúng ta có thể học được điều này từ cách những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, như Apple với thông điệp “Think Different” (Hãy nghĩ khác biệt), hay thương hiệu Nike với “Just do it” (Cứ làm đi).
Hãy dành một khoảng thời gian ngắn trong buổi chiều cuối tuần thư thái và nghĩ về thông điệp bạn thực sự muốn truyền tải, thứ bạn thực sự muốn đạt được trong sự nghiệp hay trong cuộc sống.
Bạn không nhất thiết phải chau chuốt và diễn đạt thông điệp của mình bằng một câu khẩu hiệu bóng bẩy, bạn có thể chỉ cần diễn đạt nó bằng một dòng mô tả ngắn gọn những gì bạn muốn đại diện.
Bước 2: Thể hiện cá tính
Sau đó, hãy tiếp tục với việc chọn ra 4 đến 6 tính từ thể hiện những phẩm chất bạn đại diện.
Bạn là người hóm hỉnh, triết lý, hài hước hay trầm tư? Bạn có phải là người giao tiếp tốt? Mỗi người trong số chúng ta đều có một cá tính, niềm đam mê hoặc mối quan tâm lớn. Nhưng việc bạn theo đuổi và hiện thực hoá những điều đó như thế nào, thực chất lại phụ thuộc vào cá tính con người bạn.
Cá tính chính là thứ tạo cho bạn sự khác biệt, nói cách khác, khiến thương hiệu cá nhân của bạn khác biệt với tất cả mọi người. Quy trình này đòi hỏi bạn phải dành thời gian tự nhìn nhận bản thân, nhưng nó thực sự là một bài tập hữu ích.
Hãy định nghĩa bạn là ai và điều gì thúc đẩy bạn trong công việc cũng như cuộc sống.
Bước 3: Truyền thông điệp
Một khi bạn đã hoàn thành bài tập nhận dạng những nhân tố căn bản thuộc về thương hiệu cá nhân, hãy truyền thông điệp này tới mọi người qua tất cả các kênh có thể.
Hãy thể hiện thông điệp đó trên trang Facebook cá nhân, trang web cá nhân (nếu có), trong hồ sơ của bạn, thậm chí là những đoạn giới thiệu bản thân trên Twitter hay LinkedIn. Thông điệp này sẽ định hình cách người khác nhìn nhận bạn.
Ngoài các kênh mạng xã hội, thương hiệu của riêng bạn cũng sẽ được “bắt gặp” khi bạn gặp gỡ những người mới, giới thiệu bản thân với họ và đưa cho họ một “bản tóm tắt ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin”. Nếu như chú ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, khi gặp những người bạn mới, chúng ta đều sẽ được hỏi những câu hỏi này, vậy là, chuẩn bị trước thông điệp của riêng bạn quả thực không hề lãng phí chút nào.
Điều quan trọng nữa là bạn phải nhất quán khi truyền đi những thông điệp ở các kênh khác nhau, bởi thông điệp của bạn sẽ có sức mạnh hơn nếu nó liên tục được nhắc đến và củng cố.
Bằng cách này, khi ai đó “Google” bạn trên mạng và bắt đầu tiếp xúc với bạn, họ có thể phần nào nắm bắt được ngay lập tức bạn là ai, bạn đại diện cho điều gì.
Nhiều người ngần ngại tự xây dựng thương hiệu cá nhân bởi họ nghĩ rằng như vậy là mình đang cố “sản xuất” ra một hình tượng. Nhưng, nhìn vào cốt lõi vấn đề, thương hiệu cá nhân chính là việc bạn tự hiểu được mình thực sự là ai và hãy tận dụng mọi cơ hội để thể hiện điều đó mỗi khi có thể.
Xây dựng thương hiệu cá nhân, khi được thực hiện đúng cách, thực chất, chính là truyền đạt những điều riêng biệt, thuộc về bản chất của mỗi người trong số chúng ta.
TRẦN HUYÊN
(theo Fastcompany)