10 sự kiện địa ốc nổi bật nhất năm 2014

Giao dịch địa ốc tăng gấp đôi so với năm 2013; Bất động sản đứng thứ 2 về thu hút FDI; Hợp đồng phải ghi theo diện tích thông thủy… là những sự kiện nổi bật nhất thị trường BĐS Việt trong năm 2014.

1.  Giao dịch địa ốc tăng gấp đôi so với năm 2013

 Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Xây dựng, năm 2014, riêng thị trường Hà Nội có trên 13.000 lượt giao dịch chính thức, tăng gấp đôi so với năm 2013. Tương tự, tại TP. HCM, lượng giao dịch tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2013. Giá bán tương đối ổn định, phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nhiều người cho rằng thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục, nhưng bản thân ông thì khẳng định, thị trường đã hồi phục với xu hướng rõ ràng và bền vững.

  2. Rộng cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà

Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015 đã nới lỏng các điều kiện cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Cụ thể, đối tượng áp dụng gồm tổ chức, cá nhân người nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Quy định này được cho là sẽ tác động lớn không chỉ tới thị trường bất động sản, mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

3. Nới quy định, thời hạn vay gói 30.000 tỷ đồng

 Sau rất nhiều trục trặc về thủ tục, chê trách về tiến độ giải ngân, gói tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng đã nhận được “cú huých” mới với Nghị quyết số 61/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Một trong những nội dung của Nghị quyết này là các đối tượng có khó khăn về nhà ở, khi mua nhà thương mại (kể cả nhà và đất) có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng, sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, thời gian cho vay hộ gia đình, cá nhân sẽ được tăng lên thành 15 năm, thay vì 10 năm như quy định cũ.

Hy vọng, sang năm 2015, với những quy định mở, thông thoáng hơn, gói vốn ưu đãi này sẽ thực sự là làn gió mát lành thổi vào thị trường bất động sản.

4. Bất động sản đứng thứ 2 về thu hút FDI

 Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2014, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Cụ thể, tính đến 15/12/2014, bất động sản thu hút 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vốn FDI vào bất động sản năm 2014 tăng gần gấp 3 lần so với lượng vốn FDI đăng ký vào bất động sản năm 2013.

5. Cho phép phân lô bán nền

 Theo Thông tư số 20/2013/TTLT-BXD-BNV, từ ngày 5/1/2014, hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất trong khu đô thị để tự xây dựng nhà ở. Cụ thể, khu vực (đã đầu tư hạ tầng) được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà có thể là phần đất thuộc nhiều dự án, một dự án hoặc một phần trong dự án.

Các lô đất được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở không thuộc các vị trí nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị. Quy định này được cho là đã làm “sống lại” các dự án đất nền vốn “đắp chiếu” nhiều năm liền.

6. Được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

 Ngày 25/4/2014, Liên bộ Ngân hàng nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2014 cho phép các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng chính căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân hàng khi vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.

Quy định này một lần nữa được đưa vào Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, giúp giải quyết một nút thắt quan trọng về tài chính của người mua nhà, nhất là những đối tượng thu nhập thấp.

7. Hợp đồng phải ghi theo diện tích thông thủy và “chốt” phí chung cư

 Ngày 20/2/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD thống nhất tính diện tích sử dụng căn hộ theo thông thủy để tính tiền mua bán căn hộ. Thông tư 03 đã bỏ cách tính diện tích sàn chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ từng gây nhiều thiệt thòi, bức xúc cho người dân sống ở chung cư suốt 3 năm qua.

 Đến ngày 9/5/2014, Bộ Xây dựng tiếp tiếp tục ban hành Thông tư 05/2014/TT-BXD hướng dẫn cách tính phí chung cư theo diện tích thông thủy. Quy định này đã góp phần làm giảm bớt tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư xung quanh vấn đề phí dịch vụ vốn gây ra hàng loạt khiếu kiện thời gian qua.

8. Khởi công dự án có tòa nhà cao nhất Việt Nam

 Năm 2014 ghi dấu ấn rõ nét sự trở lại của phân khúc bất động sản cao cấp. Đỉnh điểm là sự kiện khai trương nhà mẫu và mở bán Dự án Vinhomes Central Park tại TP. HCM với sự tham gia của hàng nghìn người, đến mức chủ đầu tư phải phát tích-kê cho khách để bảo đảm trật tự. Và ngay sau đó, khu vực xung quanh nhà mẫu đã hình thành hàng dãy “trung tâm nhà đất” làm dịch vụ ăn theo dự án này.

Dự án Vinhomes Central Park tọa lạc ngay Tân Cảng, phường 22, quận Bình Thạnh. Vinhome Central Park với quy mô gần 46 héc-ta, tổng số vốn đầu tư là 30.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Đây là khu căn hộ và biệt thự cao cấp có tòa nhà cao nhất Việt Nam 81 tầng sẽ làm trung tâm tài chính, thương mại, văn phòng cho thuê và đây được xem là khu đô thị đẹp nhất Việt Nam. Năm 2014, Tập đoàn Vingroup cũng được Báo Đầu tư bình chọn là DN bất động sản xuất sắc nhất.

9. Vô hiệu chính sách “phạt cho tồn tại” công trình xây dựng sai phép

 Ngày 5/1/2014, Thông tư 02/2014/TT-BXD có hiệu lực thi hành đã quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai phép, không phép. Ngay khi vừa ban hành, Thông tư kể trên đã nhận được những ý kiến trái chiều, đặc biệt là với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép. Nhưng đến ngày 22/9/2014, Bộ Xây dựng mới có Công văn số 2316/BXD-TTr hướng dẫn, chỉ áp dụng quy định nộp phạt bằng tiền đối với nhà xây sai phép, không phép khi thỏa mãn tất cả các điều kiện: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đã đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo thông tin mà Đầu tư Bất động sản có được thì đến nay, quy định này vẫn chưa được các địa phương áp dụng trong thực tế bởi lo sợ sẽ tạo ra tiền lệ xấu.

10. Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng “chết yểu”

 Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 7/2014, thông tin về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản tràn ngập trên các mặt báo. Cụ thể, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Thiên Thanh Group đã công bố gói tín dụng trên với sự tham gia của một số ngân hàng với cam kết dành khoản tín dụng 50.000 tỷ đồng cho các đối tác gồm “4 nhà”: Nhà cung ứng vật liệu xây dựng – nhà băng – nhà thi công – chủ đầu tư dự án vay để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2014, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh và Tổng giám đốc VNCB bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 165 Bộ luật Hình sự). Kể từ đó, gói tín dụng này cũng “chết yểu” không thấy tăm hơi.

 Theo Báo Đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

20 − 2 =